Tin tức

Đọc nhiều nhất

Công văn 2662 và hành trình "hồi sinh" linh vật Việt
26/12/2017 4:12:20 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Viêt Nam đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Hành trình thực hiện công văn 2662 không chỉ loại bỏ việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp mà còn là hành trình hồi sinh linh vật Việt tại các di tích.

 Linh vật ngoại lai - thách thức trong thời hội nhập văn hóa

Quá trình hội nhập sâu rộng đang diễn ra trên khắp các lĩnh vực, văn hóa không phải là ngoại lệ. Sự tiếp thu mạnh mẽ văn hóa của nước ngoài, trào lưu xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép biểu tượng, kiến trúc của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản mọc lên như nấm sau mưa. Đáng lo ngại là sự phá vỡ cảnh quan, hủy hoại các di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam, thay vào đó là các công trình, các sản phẩm, biểu tượng xa lạ với văn hóa người Việt, làm méo mó hình ảnh văn hóa Việt Nam. Dễ thấy nhất là tại nhiều di tích lịch sử, đền chùa, những con sư tử đá xưa được người Trung Quốc dùng để canh mộ, dùng để thể hiện quyền uy nay án ngữ trước cửa , tại các vị trí quan trọng trong nhiều công trình tôn giáo.

Trong bối cảnh đó, việc ban hành công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/8/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được xem là "lời tuyên chiến" quan trọng của Bộ VHTTDL, cũng như các địa phương, các nhà khoa học, và những người yêu mến văn hóa truyền thống Việt  Nam với linh vật ngoại lai nói riêng, văn hóa lai căng nói chung; đồng thời mở sang trang mới trên hành trình "hồi sinh" các linh vật Việt truyền thống.

Như Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã khẳng định "Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn kiên định lập trường không ngừng "tiếp thu những tinh hoa nhân loại" vừa "phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác".

Không còn dấu vết linh vật ngoại lai tại các di tích

Sau 03 năm thực hiện Công văn 2662, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mỹ thuật, những biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lại hầu như không còn tại các di tích lịch sử, văn hóa. Cụ thể, theo báo cáo của Thanh tra Bộ, Công văn 2662 đã kịp thời chấn chỉnh việc các ban quản lý di tích ở địa phương tự ý tiếp nhận, đưa hiện vật lạ vào di tích. Kể từ sau ban hành Công văn, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có công văn chỉ đạo các ban quản lý di tích, chính quyền địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong việc tiếp nhận hiện vật lạ; triển khai rà soát các hiện vật lạ là sư tử và đèn đá hiện có trong toàn bộ hệ thống di tích trên địa bàn để thực hiện việc di dời…

Công văn cũng nhận được sự ủng hộ của  Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua việc ban hành Công văn số 196/CV-HĐTS ngày 03/9/2014 yêu cầu Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận và chủ động di dời các hiện vật không phù hợp ra khỏi các cơ sở thờ tự, tự viện.

Tại các địa phương, nhiều di tích bày đặt sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong hồ sơ xếp hạng di tích đã tự di dời, gỡ bỏ.

Bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, "Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc  là những địa phương nóng về việc bày đặt biểu tượng, sản phẩm. linh vật không phù hợp trong di tích, nhưng sau 03 năm thực hiện Công văn 2662, tại những địa phương này, việc di dời đã cơ bản được làm tốt".

Đơn cử như tại tỉnh Ninh Bình, sau 3 năm triển khai đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ, huyện Hoa Lư và đền Đức thánh Nguyễn huyện Gia Viễn. Tại Hà Nội, từ việc có 435 sư tử đá và hiện vật không phù hợp tại các di tích. Sau 3 năm thực hiện chỉ đạo nhiều di tích có đặt các hiện vật không phù hợp truyền thống và thuần phong mỹ tục đã tự di dời, gỡ bỏ. Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, “Cho đến nay, hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến mới, bày đặt, sử dụng đồ thờ và các vật phẩm lạ không phù hợp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong nội tự các di tích ở Thủ đô”.

Tại Nghệ An, nếu năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 39 điểm gồm 32 di tích và 07 cơ quan công sở có đặt các biểu tượng, linh vật lạ, không phù hợp thuần phong mỹ tục (chủ yếu là các tượng sư tử đá) thì đến nay 100% di tích trên địa bàn tỉnh đã không sử dụng các linh vật lạ để trang trí. 

Cũng do tác động của Công văn 2662, một số địa phương rất thận trọng khi thực hiện nhập khẩu văn hóa phẩm, đặc biệt là nhập khẩu tượng linh vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống.  Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn, đặc biệt, đã chấm dứt cung tiến mới tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng.

Sự hồi sinh của linh vật Việt

Hành trình loại bỏ các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp cũng đồng thời là hành trình hồi sinh các linh vật truyền thống Việt Nam. 

Trước tiên phải kể tới phong trào tìm hiểu tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền quảng bá về các biểu tượng, linh vật thuần Việt từ nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên và các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống như nhóm: Đình làng Việt, nhóm Linh vật cổ vật truyền thống Việt Nam, nhóm Chùa Việt...

Đơn cử như anh Nguyễn Trí Quang, ở Hà Nội đã tự thực hiện số hóa gần 100 linh vật Việt để giới thiệu tượng các linh vật Việt Nam trên trang web VR3D.vn. Với những tư liệu, hình ảnh này, các nghệ nhân, các nhà điêu khắc và công chúng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác tư liệu linh vật, qua đó, giúp ích cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và sáng tác sản phẩm thu công truyền thống. Công ty điêu khắc Vũ Liên và Hội quán Di sản đã tiến hành thực hiện phục chế một số mẫu linh vật truyền thống, với sự hợp tác chặt chẽ của các nhà nghiên cứ mỹ thuật để đảm bảo giữ được giá trị của tượng linh vật truyền thống. Hiện nay, hai cơ sở này vẫn đều đặn nhận được các đơn đặt hàng sản xuất tượng linh vật truyền thống.

Bên cạnh đó rất nhiều cuộc triển lãm giới thiệu hình ảnh linh vật truyền thống của Việt Nam, các Hội nghị, hội thảo, các ấn phẩm xuất bản nghiên cứu khoa học bàn luận về linh vật Việt và việc sử dụng các sản phẩm, biểu tượng trang trí, linh vật trong quá khứ và hiện tại đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo giới nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà quản lý, và cơ quan truyền thông. Gần đây nhất, cuốn sách “Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa” (nhìn từ đền vua Đinh, vua Lê) của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế đã ra mắt độc giả đáp ứng yêu cầu tìm hiểu về linh vật nghê - một biểu tượng của văn hóa Việt đã bị lãng quên. Qua đó, các linh vật truyền thống của Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn tới công chúng.

Sau khi công văn 2662 được ban hành, nhiều tượng linh vật mang hình mẫu của nước ngoài, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã không còn được sản xuất và mua bán. Các công ty, làng nghề truyền thống chuyển hướng sang sản xuất những linh vật thuần Việt.

Như làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống. Lượng khách hàng đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai rất hiếm hoi. Thay vào đó, một số mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ. Nhiều người dã đặt hàng sản phẩm Nghê Việt.

Tại nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định… nơi có các làng nghề truyền thống, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử... đồ thờ theo phong cách nghệ thuật truyền thống và được khách hàng đón nhận. Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi thành công tranh dân gian Kim Hoàng, Hà Nội với các hình ảnh linh vật Việt, dòng tranh tưởng như đã mất nay lại xuất hiện trong các dịp Tết. Các nghệ nhân làng tranh hiện nay đã nghiên cứu đưa ra mẫu tranh mang hình tượng nghê để phục vụ Tết Mậu Tuất 2018...

Như vậy, có thể thấy rằng song hành với việc loại trừ các linh vật ngoại lai, các linh vật truyền thống Việt Nam, biểu tượng văn hóa Việt dường như đã bị lãng quên một lần nữa được hồi sinh mạnh mẽ. Không chỉ ở trên giấy, trên những trang sách, bức tranh, linh vật truyền thống Việt đã bước đầu tìm lại được chỗ đứng trong các làng nghề.

Đánh giá việc thực hiện công văn 2662 thời gian qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho rằng "Ba năm triển khai Công văn 2662 mới chỉ là bước đi ban đầu. Mặc dù đã có những thành công ngoài mong đợi, nhưng trong thời gian tới việc triển khai công văn 2662 cần sâu sát và đồng bộ hơn nữa".

Trận chiến với các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ VHTTDL, các địa phương, các nhà nghiên cứu và những người yêu mến văn hóa truyền thống Việt, trong thời gian tới các sản phẩm này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn không chỉ ở các di tích lịch sử, mà còn ở tất cả các điểm đến khác trên đất nước Việt Nam; để những biểu tượng, sản phẩmlinh vật truyền thống Việt Nam trở về đúng vị trí và giá trị của nó trong dòng chảy văn hóa Việt.

Nguồn: Gia Linh (CINET)