Thư viện

Tìm nguồn nhân lực cho nghệ thuật Tuồng
21/10/2024 3:06:28 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

Ngày 21/10/2014, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. Hai bên đã cùng nhau trao đổi về “Tìm nguồn nhân lực cho nghệ thuật Tuồng”.

Về phía Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định có ông Văn Bá Dũng- Giám đốc Nhà hát; NSUT Đào Trung Nghĩa - Trưởng Đoàn tuồng Đào Tấn; NSND Đặng Mình Ngọc - Phó trưởng Đoàn Tuồng Đào Tấn và ông Hoàng Ngọc Dũng - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp.

Về phía trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật TT.Huế có ông Phạm Xuân Sơn - Phó Hiệu trưởng; bà Nguyễn Thị Kim Dung Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, NCKH và ĐB CLGD; bà Đặng Thị Quỳnh Nga - Tổ trưởng tổ Âm nhạc Dân tộc và ông Trương Xuân Chiến - Tổ trưởng tổ Âm nhạc Tây phương.

Bình Định được mệnh danh là vùng đất “thủ phủ” của Tuồng và Bài Chòi. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định được tổ chức trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị: Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định. Trong đó, về lịch sử hình thành, Đoàn Tuồng Liên khu V đã có từ năm 1952, trải qua các thời kỳ, cho đến nay đội ngũ nghệ sỹ đóng góp cho nghệ thuật tại nhà hát được vinh danh có 17 NSND, 49 NSUT và rất nhiều thành tích khác. Các thế hệ Nhà hát đã miệt mài tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống. Mặc dù vậy, hiện nay nhà hát đang đối mặt với một thách thức rất lớn, đó là thiếu đội ngũ kế cận trầm trọng, thậm chí có nguy cơ đứt gãy đội ngũ trong 3 năm tới.  Nhà hát đã trình UBND Tỉnh về Đề án ‘Thanh xuân hóa đội ngũ nhạc công và diễn viên hát Tuồng” và hiện đang tìm nguồn nhân lực để tuyển về Bình Định công tác, kết hợp truyền nghề diễn viên và nhạc công nghệ thuật Tuồng theo hình thức vừa làm vừa học tại Nhà hát.

Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật TT-Huế là một trong những đơn vị trong thời gian qua đào tạo nhiều khóa học Trung cấp diễn viên Tuồng và đặc biệt đã đào tạo thành công 2 lớp Cao đẳng Nghệ thuật Tuồng, cung cấp đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp cho Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế. Mặc dù, xác định đây là ngành nghệ thuật cần được ưu tiên gìn giữ và bảo tồn, tuy nhiên, bằng rất nhiều sự nổ lực, từ năm 2010 đến nay nhà trường không tuyển sinh thêm được Khóa đào tạo Nghệ thuật biểu diễn Múa hát Cung đình (Tuồng) nào. Đây có lẻ là khó khăn chung không chỉ riêng với nghệ thuật Tuồng mà với cả nghệ thuật Ca Huế - vốn là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Huế.

Thực tế là, nhóm công việc của thế giới hiện nay quá phong phú, đem đến cho người trẻ điều kiện được sáng tạo, được thể hiện mình, được sống theo nghĩa “hiện đại”, mà lại có được nhiều cơ hội, nhiều sự thịnh vượng. Trong khi đó, nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng, vốn được đóng trong khung “truyền thống”, cơ hội và vị trí việc làm sau đào tạo không rõ nét. Phải chăng vì vậy mà sức hút của ngành này đối với thế hệ trẻ gần như không có. Vẫn có những bạn trẻ mê xem diễn Tuồng, thực hiện điệu bộ và ngân nga vài câu hát hay nói lối. Tuy nhiên, chỉ dừng ở mức độ Mê chứ không chọn thành Nghiệp. Nơi còn nhiều khả năng lưu giữ nhất của nghệ thuật này là ở các gia đình truyền thống hoặc đào tạo lại tại nhà hát nhưng do không có bằng cấp nên gặp khó khăn khi tuyển dụng.

          Sau buổi trao đổi về công tác chung, gặp gỡ và lắng nghe nguyện vọng của các học sinh thuộc nhóm ngành Nhạc công truyền thống Huế, Nghệ thuật biểu diễn Ca kịch Huế và Thanh nhạc để có định hướng và tuyển dụng của đơn vị Nhà hát. Đồng thời, phía Nhà trường cũng đã đặt vấn đề đào tạo ngành Nghệ thuật biểu diễn Tuồng “có địa chỉ” cho Đoàn Tuồng Đào Tấn thuộc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Bình Định.

          Kết quả buổi làm việc đã mở ra một hướng có triển vọng khả quan. Hy vọng các đơn vị sẽ xúc tiến, có những liên hệ sâu hơn để hình thành kế hoạch cụ thể, báo cáo lãnh đạo các cấp cùng nhau thực hiện công tác liên kết đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực trẻ để “thanh xuân hóa” và tạo đội ngũ kế cận cho nghệ thuật Tuồng trong thời gian đến.

 

 

 

QN-HN
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>