Đào tạo

Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế
30/03/2021 1:53:57 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Hình thành và phát triển trên vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi có hai di sản văn hóa thế giới được vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế; Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế là nơi ươm mầm những tài năng văn hóa, nghệ thuật cho tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành trong khu vực. Thành tích và kết quả đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển của nhà trường đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, của vùng đất cố đô Huế.

Từ Văn Thánh - vùng đất bên bờ sông Hương thơ mộng, ngày 29/7/1977 Trường Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên đã chính thức được thành lập. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ những ngày đầu thành lập, nhà trường vừa phải tập trung xây dựng và củng cố bộ máy, vừa đảm nhận trọng trách bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động; bồi dưỡng nghiệp vụ về tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật cách mạng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin ở cơ sở khu vực Bình Trị Thiên.

Sau khi tách lập tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà trường trực thuộc quản lý của Sở Văn hóa Thông tin. Đến năm 1994, trường được chuyển về 49 Nguyễn Chí Diểu và được đổi tên thành Trường Văn hóa Nghệ Thuật. Đến năm 1999, trường chính thức nâng cấp thành Trung học Văn hóa Nghệ thuật. Ở vào giai đoạn cả nước chuyển mình bước vào thời kỳ đổi mới, nhà trường vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cơ sở, vừa tập trung đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống làm hạt nhân chính, tạo ra bản sắc riêng cho nhà trường, bên cạnh đó mở rộng liên kết để đào tạo các chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu nguồn lực của địa phương và khu vực. Từ ngôi trường này, nhiều thế hệ nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn hóa thông tin được đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho cả khu vực Bình - Trị - Thiên và các tỉnh miền Trung. Với những kết quả đó, nhà trường từng bước khẳng định là cơ sở đào tào văn hóa nghệ thuật có uy tín trong khu vực và cả nước, một thiết chế quan trọng của ngành Văn hóa Thông tin, nay là ngành Văn hóa và Thể thao của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm 2000, nhà trường bước vào một giai đoạn mới, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân, tạo nền móng vững chắc như hiện nay. Trong giai đoạn này, với vị thế ngôi trường được thành lập và phát triển trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nhà trường đã phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh phát triển các chuyên ngành có thế mạnh của nhà trường, như: Âm nhạc truyền thống Huế, Nhạc công Nhã nhạc Cung đình Huế, Diễn viên ca Huế, ca kịch Huế, Diễn viên tuồng - múa hát Cung đình, hội họa..., nhà trường tăng cường việc liên kết mở ra những chuyên ngành mới đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, như: Sư phạm Nhạc - Họa, Quản lý Văn hóa, Diễn viên múa, Diễn viên Sân khấu truyền thống Huế, Văn hóa - Du lịch, Bảo tồn - Bảo tàng, Thông tin - Thư viện... từng bước bổ sung đội ngũ cán bộ đang thiếu hụt, nhất là cán bộ quản lý văn hóa thông tin ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong hoạt động liên kết đào tạo, nhà trường cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong mở rộng, liên kết với các trường đại học, cao đẳng của Trung ương, tuyển sinh và đào tạo tại chỗ nhiều thế hệ sinh viên, học sinh, bổ sung, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho Thừa Thiên Huế và các tỉnh trong khu vực. Như liên kết với Đại học Văn hóa Hà Nội mở các lớp đại học chính quy chuyên ngành Bảo tồn - Bảo tàng, Thông tin - Thư viện, Quản lý Văn hóa và Văn hóa Du lịch cho 200 sinh viên; liên kết với Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp với số lượng trên 800 học sinh, sinh viên ở các chuyên ngành: Diễn viên sân khấu kịch hát, Nhạc công truyền thống Huế, Đạo diễn, Quay phim; liên kết với Cao đẳng múa Việt Nam đào tạo Diễn viên múa chuyên nghiệp... Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục liên kết với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và Đại học Văn hóa Hà Nội, tuyển sinh và đào tạo các lớp đại học hệ vừa làm vừa học các chuyên ngành: Đạo diễn và Quay phim điện ảnh, truyền hình; Đạo diễn sự kiện, lễ hội; Biên đạo múa; đại học Quản lý văn hóa liên thông từ trung cấp; Cao học Quản lý Văn hóa...

Với kinh nghiệm trong đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống, nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công được nhà trường đào tạo đã rất thành công và khẳng định vị thế, uy tín trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật của tỉnh và các địa phương, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi, nhà quản lý có kinh nghiệm trong các lĩnh vực. Đây cũng là lực lượng hạt nhân,tham gia hoạt động tích cực trong các đơn vị nghệ thuật, đơn vị văn hóa, tham gia các kỳ Festival Huế và các sự kiện, hoạt động lễ hội trong và ngoài nước; là những lực lượng chủ yếu phục vụ dịch vụ du lịch ca Huế trên sông Hương; đóng góp vai trò tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế.

Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, chúng ta có thể tự hào rằng, mặc dù có những giai đoạn gặp không ít khó khăn, thử thách, lại hình thành và phát triển trên vùng đất có nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng bằng những nỗ lực, cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên cùng với hướng đi đúng đắn, mục tiêu thích hợp cho từng thời kỳ, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong đào tạo, nhà trường đã vươn ra, mở rộng liên kết, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh và trung ương, đa đạng hóa, đa cấp hóa các ngành học, cấp học, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho tỉnh và cả khu vực. Uy tín và vị thế của nhà trường từng bước được khẳng định. Ghi nhận những thành tích đóng góp trong chặng đường xây dựng và phát triển đã qua, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua, bằng khen về những đóng góp và thành tích trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, văn hóa Huế.

Kế thừa những kết quả và thành tích đạt được 40 năm qua, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh phát huy thế mạnh các chuyên ngành về nghệ thuật truyền thống để đào tạo các diễn viên, nhạc công truyền thống, diễn viên ca Huế, ca kịch Huế, tuồng Huế, múa, biên đạo múa; đào tạo các chuyên ngành Hội họa, Quản lý văn hóa,... nhà trường sẽ đa dạng hóa loại hình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong đó tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp sơ cấp, các lớp cập nhật kiến thức, qua đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu tạo nguồn cho các ngành học của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học trong cả nước, chú trọng đào tạo liên thông trung cấp lên cao đẳng, đại học, để tạo điều kiện cho người học được học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Tiến hành khảo sát nhu cầu xã hội, các địa phương và đơn vị liên quan để điều chỉnh, sắp xếp lại các ngành học; mở một số chuyên ngành mới phù hợp, ngành học xã hội đang cần, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho các lĩnh vực còn thiếu hoặc cần bổ sung, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cho đơn vị, cơ sở.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên ngành đối với các lĩnh vực di sản văn hóa, nghệ thuật; từng bước hoàn thiện chương trình phù hợp với chương trình khung quốc gia và các quy định mới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; tập trung biên soạn, rà soát, điều chỉnh hệ thống giáo trình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra của nhà trường.

Song song với công tác đào tạo, nhà trường sẽ tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn, chuẩn hóa về kỹ năng sư phạm đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, chuẩn hóa trình độ tin học, ngoại ngữ theo quy định. Trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sau đại học, có uy tín trong các lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đi liền với công tác củng cố, xây dựng đội ngũ, nhà trường tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao để triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cơ bản của trường, hoàn thiện các hạng mục: Nhà học sâu khấu, nhà hiệu bộ, ký túc xá,...; chú trọng đầu tư phương tiện, trang thiết bị dạy học, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp trường thành Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.

Trong bối cảnh cơ chế quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề đang được áp dụng, cán bộ, giáo viên nhà trường cần phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật, các quy định về chủ trương, chính sách để áp dụng một cách chặt chẽ, đầy đủ, chính xác và phù hợp với thực tiễn của tỉnh và nhà trường.

Một giai đoạn mới đang mở ra với những thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức; kế thừa truyền thống và những thành tích đã đạt được trong 40 năm qua, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh, chúng ta tin tưởng, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và có những bước phát triển mới, khẳng định vị thế và bề dày của ngôi trường giàu truyền thống - nơi đào tạo và ươm mầm các tài năng văn hóa, nghệ thuật cho quê hương, đất nước.